Tiểu sử Lý_Hoằng

Đường Cao Tông khi còn là Thái tử, đã rất say mê Tài nhân Võ Mị, phi tần của Đường Thái Tông. Khi Đường Thái Tông qua đời, Võ Mị phải đến chùa Cảm Nghiệp, trở thành ni cô, nhưng cả hai vẫn tình cờ gặp lại nhau. Năm Vĩnh Huy thứ 2 (651), Đường Cao Tông đem ni sư Võ thị từ chùa Cảm Nghiệp trở lại hậu cung, phong làm Chiêu nghi, vào lúc này Võ thị đang mang thai. Năm sau (652), Lý Hoằng được sinh ra.

Khi đó, địa vị của mẹ ông là Chiêu nghi, xếp dưới Vương hoàng hậuTiêu Thục phi. Trên ông còn có bốn người anh: Thái tử Lý Trung (李忠), Hứa vương Lý Hiếu (李孝), Kỉ vương Lý Thượng Kim (李上金) và Ung vương Lý Tố Tiết (李素節).

Năm Vĩnh Huy thứ 6 (655), ngày 13 tháng 10, Đường Cao Tông phế truất Vương hoàng hậu và Tiêu Thục phi, Võ Chiêu nghi được phong làm Hoàng hậu. Cùng năm đó, Lý Hoằng được sắc phong làm Đại vương (代王)[3]. Lúc này, Lý Hoằng chân chính trở thành Nguyên tử (元子), tức là Đích trưởng tử, một danh từ thời phong kiến gọi đến con trai lớn nhất do Hoàng hậu sinh ra.

Năm Hiện Khánh nguyên niên (656), tay chân của Võ hậu là Hứa Kính Tông dâng sớ nói con trai trưởng của Hoàng hậu có thể chính vị Đông cung, vì thế Đường Cao Tông ép Lý Trung phải nhường ngôi Thái tử cho Lý Hoằng, Phế Thái tử Lý Trung bị giáng làm Lương vương (梁王). Năm đó, Lý Hoằng chỉ mới 4 tuổi[4][5][6].